Lạc là một loại thực phẩm quen thuộc của người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Hôm nay hãy cùng chúng mình tìm hiểu về cách trồng lạc bằng hạt nhé!

Đặc điểm

Lạc hay còn được gọi là đậu phộng, là một loài cây thực phẩm thuộc họ Đậu có nguồn gốc tại Trung và Nam Mỹ, sau đó lan rộng ra toàn thế giới và tính đến thời điểm hiện tại, hầu như nước nào cũng có loại thực phẩm này.

Lạc là loài cây thân thảo đứng, sống hằng niên. Thân cây phân nhánh từ gốc, có các cành toả ra, cao từ 30-50 cm tùy theo giống. Rễ cây là rễ cọc, có nhiều rễ phụ, rễ cộng sinh. Lá kép mọc đối, hình lông chim với bốn lá chét, kích thước dài từ 4-7 cm và rộng 1-3 cm.

Hoa cây lạc là hoa dạng chùm, gồm 2-4 hoa nhỏ, màu vàng.

Trong danh pháp khoa học của loài cây này thì phần tên có chỉ tính chất của loài, chỉ đặc điểm quả được giấu dưới đất. Sau khi thụ phấn, cuống hoa dài ra, uốn cong đến khi quả chạm đất, phát triển thành 1 dạng quả trong đất dài 3-7 cm, mỗi quả chứa 1-4 hạt và thường có 2 hạt. Quả hình trụ thuôn, không chia đôi, thon lại giữa các hạt, có vân mạng. Một quả chứa từ 1-4 hạt lạc, thường là 2 hạt, hạt hình trứng, có rãnh dọc.

Xem thêm Kỹ thuật về cách trồng sắn dây đạt năng suất cao

Đặc điểm của lạc (đậu phộng)

Công dụng

Lạc không chỉ là một loại thực phẩm mà còn là dược liệu rất tốt cho sức khỏe:

  • Tốt cho tim mạch: Đậu phộng giúp ngăn ngừa bệnh tim bằng cách giảm mức cholesterol. Chúng cũng có thể ngăn chặn sự hình thành các cục máu đông nhỏ và giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ
  • Giảm nguy cơ tiểu đường.
  • Giúp giảm viêm: Lạc cung cấp chất xơ dồi dào, giúp giảm viêm khắp cơ thể cũng như hỗ trợ hệ tiêu hóa.
  • Ngăn ngừa ung thư: Lạc giúp giảm nguy cơ phát triển một loại ung thư dạ dày nhất định – ung thư biểu mô tuyến không tim.
  • Ngăn ngừa sỏi mật.
  • Tăng cường trí nhớ: Vitamin B3 và niacin có trong đậu phộng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe bao gồm cả việc cải thiện chức năng bộ não cũng như thúc đẩy hoạt động trí nhớ.
Công dụng của lạc đối với sức khỏe con người

Cách trồng

Chuẩn bị

Giống lạc: Nên chọn hạt giống sạch sâu bệnh, không lẫn những hạt kém chất lượng. Hạt giống khi lựa chọn đảm bảo đều, mẩy, to; có phần vỏ hạt sáng, không có tình trạng bị xây xát.

Đất trồng: Cần chọn loại đất giữ ẩm tốt, giàu dinh dưỡng.

Cách trồng

Trước khi bắt đầu trồng lạc thì cần tiến hành làm đất đầy đủ, kỹ càng. Đất cần được cày bừa và loại bỏ cỏ dại. Khi trồng lạc thì cần phải thực hiện việc lên luống. Lên luống có chiều rộng khoảng 1,2m; rãnh luống tầm 0,3m; chiều cao tiêu chuẩn là từ 15-20 cm.

Trước khi đem gieo trồng thì cần xử lý hạt giống. Ngâm ủ trước khi gieo: Ngâm trong nước khoảng 3-4 tiếng, sau đó đem đi ủ trong khoảng 10-12 tiếng; quan sát đến khi nhú rễ mầm ra khỏi vỏ lụa của hạt thì có thể đem ra trồng.

Hạt giống trước khi đem trồng tuyệt đối không được bóc vỏ ra trước mà phải thực hiện khi bắt đầu gieo hạt.

Để trồng lạc thì có 2 cách:

  • Trồng theo lỗ: Mỗi hàng tạo 4-5 lỗ, mỗi lỗ trồng 2-3 hạt, khoảng cách tiêu chuẩn giữa các lỗ là 20-25 cm.
  • Trồng rạch hàng: Tiến hành tạo các rãnh trên hàng, trồng với khoảng cách là 10cm/hạt, khoảng cách giữa các rãnh là từ 20-25 cm.

Khi gieo trực tiếp hạt xuống đất cần tiến hành vẩy ướt đều, cho hạt xuống lỗ rồi tiến hành lấp hạt với độ sâu từ 3-5 cm.

Cách trồng cây lạc (đậu phộng)

Cách chăm sóc

Trong quá trình chăm sóc cần chú ý việc làm cỏ, phòng trừ cỏ dại.

Khi hạt giống nhú mầm lúc này dùng tay bới nhẹ gốc giúp lá mầm dễ dàng mọc lên khỏi mặt đất.

Khi cây ra hoa cần thực hiện việc vun gốc tạo điều kiện cho quá trình đâm tia của cây đậu phộng thuận lợi, đảm bảo đem lại lượng hạt cao hơn.

Trong điều kiện thời tiết không mưa, khi cây lạc đang ra hoa cần tiến hành tưới nước nhằm duy trì độ ẩm phù hợp.

Chú ý bón phân cho cây để cây được sinh trưởng và phát triển tốt nhất.

Các bệnh thường gặp

Bệnh đốm lá lạc:

  • Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, đôi khi trên thân cây lạc (đậu phộng). Vết bệnh ban đầu là các chấm nhỏ màu nâu sau chuyển sang màu nâu sậm hoặc nâu đỏ hoặc đen; thường nhìn vết bệnh phía mặt dưới lá sẽ rõ ràng hơn.
  • Vết bệnh xâm nhiễm từ các lá già phía dưới rồi lan dần lên phía trên.
  • Cây lạc nhiễm bệnh lá dễ biến vàng, rụng gây ảnh hưởng tới quang hơp; sinh trưởng của khóm lạc chậm, năng suất kém.

Bệnh rỉ sắt ở lạc:

  • Biểu hiện bệnh nấm rỉ sắt trên cây lạc ban đầu là các nốt nhỏ màu nâu xuất hiện ở mặt dưới lá. Các nốt này lớn dần tạo các u sần rồi vỡ ra; bên trong chứa các bào tử nấm dạng bột màu cam hoặc nâu.
  • Bệnh gây giảm diện tích quang hợp của lá; khi bệnh nặng có thể làm rụng lá lạc gây ảnh hưởng gián tiếp tới năng suất thu hoạch củ.

Bệnh héo rũ trên lạc:

  • Biểu hiện đặc trưng của bệnh héo xanh trên cây lạc là cây bị héo rũ vào ban ngày và tới chiều tối cây tươi trở lại. Nhưng chỉ sau 2-3 ngày, cây hoàn toàn héo gục không thể phục hồi.
  • Bệnh héo xanh thường không thể chữa được khi bệnh đã biểu hiện trên cây nên cần chủ động phòng trừ sớm. Vì bệnh lây lan rất nhanh nên khi đã nhiễm bệnh sẽ lan rộng gây chết từng cụm lạc.
Bệnh đốm lá ở cây lạc

Câu hỏi thường gặp

Nên trồng lạc vào thời điểm nào?

Vào vụ Đông Xuân, từ tháng 11-12 dương lịch tiến hành trồng lạc. Lúc này là vào cuối mùa mưa nên sẽ tích trữ được nguồn nước thuận tiện cho việc tưới tiêu. 

Khoảng bao lâu thì có thể thu hoạch lạc?

Tùy theo giống và thời gian sinh trưởng; cũng như điều kiện và quy trình chăm sóc thì sẽ có thời gian thu hoạch khác nhau. Nhưng thường thì sau khi gieo khoảng 90-120 ngày.

Rate this post