Ổi có lẽ là một loại quả quá phổ biến đối với mọi người dân Việt Nam không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà còn nhờ vào những công dụng diệu kỳ của nó. Cách trồng ổi cũng rất đơn giản, liệu bạn đã biết chưa? Hãy cùng tìm hiểu với chúng mình nhé!
Đặc điểm
Ổi là một loại trái cây được trồng ở nhiều vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ổi có nguồn gốc từ một khu vực kéo dài từ Mexico, Trung Mỹ hoặc phía bắc Nam Mỹ trên khắp khu vực Caribe. Tính đến hiện nay thì loại quả này đã được trồng trên toàn thế giới.
Cây ổi có thể sống lâu lên tới 40-60 năm, có chiều cao từ 3-6m hoặc cũng có thể cao hơn. Thân có đường kính tối đa 30cm, thường trơn nhẵn, bong ra thành từng mảng và có màu nâu. Cành cây ổi thì nhỏ và có màu xanh.
Lá ổi cứng, nặng, có hình elip, màu sẫm, mọc đối nhau. Hoa ổi có 5 cánh, màu trắng và có nhiều nhị. Quả là loại quả mọng có nhiều hạt. Quả ổi dài từ 4-12 cm, có hình tròn hoặc hình bầu dục tuỳ theo loài. Lớp vỏ bên ngoài có thể sần sùi, có vị đắng hoặc là mềm, ngọt. Khi quả còn non sẽ có màu xanh, khi chín thì có thể ngả sang vàng, màu hạt dẻ hoặc xanh lục. Thịt quả có thể có vị ngọt hoặc chua, ruột có màu trắng nhạt đến màu hồng đậm. Hạt quả có màu vàng nhạt, có số lượng và độ cứng tuỳ theo quả. Ổi có một mùi thơm đặc trưng, rất dễ ngửi và nhận biết.
Xem thêm Hướng dẫn cách trồng củ hành tím tại nhà
Công dụng của ổi
Cây ổi có rất nhiều công dụng, nó không chỉ là một loại quả dùng trong ẩm thực mà còn có thể sử dụng làm thành dược liệu và làm cây cảnh.
- Làm thực phẩm: Quả ổi là một loại quả giàu vitamin C và các chất chống oxy hoá. Chúng ta có thể ăn tươi quả ổi ngay sau khi hái hoặc chế biến ổi thành các sản phẩm sấy khô, đóng hộp,… Quả ổi có thể có vị ngọt hoặc chua, thơm và rất giòn, nếu ngọt có thể ăn luôn, nếu chua có thể chấm muối; vừa ngon vừa giúp làm mát, giải nhiệt.
- Làm thuốc: Hầu hết các bộ phận của cây ổi đều có thể dùng để làm thuốc, từ búp non, lá, vỏ thân, rễ hay quả. Ổi có tính ấm nên có thể điều trị các bệnh như kiết lỵ, tiêu chảy, ăn uống không tiêu, làm lành vết loét,…
- Làm cảnh: Cây ổi là một loại cây dễ trồng, có thể trồng ngay trong đất hoặc trong chậu. Có thể đặt cây trên hiên nhà cũng rất đẹp bởi cây có thể tạo bóng mát, cung cấp quả ăn và dược liệu.
Kĩ thuật trồng ổi
Chuẩn bị
- Đất trồng: Loại đất tốt nhất cho cây ổi là đất giàu dinh dưỡng, có độ tơi xốp và thoát nước tốt. Về điều kiện trên thì đất phù sa là lựa chọn tốt nhất; tuy nhiên, cũng có thể dùng đất thường và nên phối trộn thêm các loại phân bón như phân hữu cơ, phân lân,… để tăng thêm sự tơi xốp và độ ẩm cho đất.
- Cây ổi con: Bạn có thể mua trực tiếp từ các cửa hàng.
- Xẻng: Dùng để tạo hố trồng.
- Nước tưới: Dùng để tưới cho cây sau khi đặt cây vào đất.
- Cọc: Dùng để giữ thăng bằng cho cây, cái này có thể có hoặc không, tùy thuộc vào kỹ thuật trồng.
Cách trồng
- Sau khi lựa chọn, xử lý được đất phù hợp, đạt tiêu chuẩn thì bắt đầu tiến hành trồng cây.
- Dùng xẻng tạo các hố có kích thước khoảng 20-30cm, số lượng hố tuỳ thuộc vào số lượng cây mình muốn trồng.
- Lấy bầu ổi đã chuẩn bị trước đó, loại bỏ túi nilon nếu có, sau đó đặt cẩn thận vào hố.
- Tiếp đó lấp đất qua phần cổ rễ rồi dùng tay nén chặt lại để cây được đứng thẳng. Nếu thấy cây bị nghiêng có thể dùng cọc đã chuẩn bị cắm xuống đất để giữ cây cố định, không bị đổ khi phát triển.
- Sau khi hoàn thiện xong các bước thì tưới nước để tạo độ ẩm cho cả đất và cây.
Cách chăm sóc ổi đúng cách
Nên trồng, đặt cây ổi ở nơi có ánh sáng vừa phải.
Tỉa nhành, cánh thường xuyên để tạo không gian cho cây hấp thụ ánh sáng, gió.
Bón phân đúng liều lượng và đúng thời điểm, phụ thuộc vào lúc nào mình trồng cây.
Tiến hành dọn cỏ thường xuyên để tạo không gian thông thoáng.
Tưới nước đều đặn để đảm bảo độ ẩm cho cây, nhưng cũng cần chú ý độ thoát nước.
Trong quá trình chăm sóc cần đặc biệt chú ý việc bọc quả. Quan sát khi cây cho trái có đường kính khoảng 2-2,5cm thì nên bọc quả. Có thể sử dụng túi lưới xốp và túi nilon lồng vào nhau và bọc cho từng trái ổi, túi lưới xốp bên trong và nilon bên ngoài. Sau khi bọc xong cần dính kín miệng ở phần cuống hay phần cánh.
Tìm hiểu ngay Cách trồng hoa vạn thọ pháp bằng hạt trong chậu
Các bệnh thường gặp
Trong quá trình chăm sóc, cây ổi có thể gặp rất nhiều bệnh gây trở ngại cho người trồng. Tuy nhiên điển hình có một số bệnh thường bắt gặp như:
- Bệnh rệp dính, rệp sáp, rệp phấn trắng: Quan sát trên thân và gân chính của lá sẽ bắt gặp những con rệp hút nhựa ở những vị trí trên. Sau đó lá sẽ bị héo khô, chuyển sang màu vàng và rụng. Khi gặp bệnh này, trái ra có nguy cơ bị suy giảm về chất lượng và kích thước.
- Bệnh ruồi đục trái: Khi bổ trái ổi sẽ thấy có giòi trong đấy, giòi là do ruồi đẻ trứng bên trong trái và trứng nở thành giòi. Trái bị bệnh này là đã bị thối. Đây là bệnh mà thường gặp nhất trên cây ổi.
- Bệnh sâu đục trái: Bệnh này đa số là do sâu non gây nên, sâu gây bệnh trên lá, ăn vào trái non. Bệnh này làm giảm tỉ lệ đậu trái, nếu có đậu thì cũng sẽ không phát triển được mà sẽ bị rụng dần.
Đối với các bệnh nêu trên, biện pháp duy nhất để khắc phục và hạn chế đó là sử dụng các loại thuốc theo tư vấn và hướng dẫn của chuyên gia. Bên cạnh đó cũng có thể tự phòng đơn giản như dùng bẫy ruồi đối với bệnh ruồi đục trái; vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng; tưới nước đầy đủ,…
Thu hoạch
Trồng ổi bằng cây con chỉ cần khoảng 2 năm hất lại sẽ ra quả. Quan sát khi quả chín thì có màu xanh nhạt rồi dần chuyển sang vàng; vỏ nhẵn, nắn thì thấy mềm. Ta cũng có thể thử bằng cách bấm móng tay vào quả, nếu móng cắm phập vào là quả sắp chín, lúc đấy có thể thu hoạch, không nên để lâu trên cây thì quả sẽ chín nhanh và có khả năng bị chim mổ, sâu ăn.
Nên thu hoạch vào buổi sáng, căn thời điểm khoảng trước 10-15 ngày không nên phun thuốc, bón phân nữa.
Ổi rất mau chín vì vậy sau khi thu hoạch nên sử dụng ngay hoặc cho vào tủ lạnh nhưng chỉ giữ được trong 1 thời gian ngắn; còn nếu để ngoài thì chỉ duy trì được vài ngày.
Các câu hỏi thường gặp
Cây ổi là loại cây ưa sáng. Tuy nhiên, nếu để cây ở môi trường có cường độ ánh sáng quá mạnh thì cây sẽ bị giảm tuổi thọ, sinh trưởng kém và thời gian tạo quả sẽ lâu hơn so với bình thường.
Nên trồng ổi vào mùa xuân, từ khoảng tháng 2 – tháng 3, lúc này thời tiết có mưa nhỏ và độ ẩm cũng phù hợp để giúp cho cây ổi sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh, thuận lợi.